Nước ép trái cây: Lợi hay hại?

Các thực phẩm lành mạnh chắc chắn là con đường ngắn nhất dẫn đến cuộc sống khỏe mạnh hơn. BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - khẳng định, nước trái cây rất tốt cho sức khỏe.

Bản thân nước trái cây sẽ cung cấp năng lượng chính là đường fructose tự nhiên; ngoài ra còn bổ sung một số vi chất, đặc biệt là một số vitamin; đồng thời còn đem lại cho cơ thể một lượng nước.

Tuy nhiên, tùy đối tượng và tùy loại trái cây, chúng ta có cách sử dụng nước trái cây khác nhau thích hợp.

Nước ép thích hợp cho ai?

Trái cây đem ép thành nước, đầu tiên phù hợp với các em nhỏ hoặc một số bệnh nhân không thể ăn được phần thịt của trái cây; đối tượng thứ ba là những người lớn tuổi. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng luôn luôn đúng.

BS. Diệp giải thích: “Khi so sánh giữa nước trái cây và trái cây nguyên miếng, về mặt dinh dưỡng và tác động tốt đến sức khỏe, trái cây nguyên giàu chất dinh dưỡng hơn, và cung cấp thêm chất xơ mà nước ép không có. Khi ép nước trái cây, đường fructose chuyển hóa mau hơn, làm đường huyết tăng nhanh hơn so với ăn trái cây nguyên miếng”.

Những người bị đái tháo đường, hoặc bị thừa cân - béo phì hạn chế uống nước ép trái cây, các chuyên gia khuyến nghị nên ăn trái cây nguyên thịt.

Uống nước trái cây có chừng mực

Những đối tượng trên càng không nên uống nước ép trái cây ngọt, nhiều đường như: nước nho, xoài, sa-bô-chê… ép. Ngoài ra, một số loại nước trái cây không thích hợp với những người có bệnh dạ dày.

Trái cây đem ép thành nước, đầu tiên phù hợp với các em nhỏ hoặc một số bệnh nhân không thể ăn được

Một chuyên gia dinh dưỡng cho biết: “Trong số tất cả các loại nước ép, nước táo được coi là lành mạnh nhất vì nó cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Nhưng những gì xảy ra khi bạn uống nước táo ép quá nhiều? Bạn có thể sẽ bị tiêu chảy vì sorbitol - một loại đường tự nhiên có trong táo. Ngoài ra, uống nhiều nước táo cũng dẫn đến một số vấn đề về dạ dày như: đầy hơi, trướng bụng”.

Trái cây thường có 3 dạng và được khuyên dùng lần lượt từ trái cây nguyên miếng, sinh tố, sau cùng mới đến nước ép. Đối với câu hỏi, có nên thích ăn loại trái cây cứ ăn cho thỏa thích, BS. Diệp cho biết: “Ăn một loại trái cây thường xuyên liên tục không tốt bằng thay đổi các loại trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày. Không phải tất cả các loại trái cây có cùng các thành phần, các chất dinh dưỡng giống nhau. Đa dạng trái cây làm bản thân người sử dụng không bị ngán ngấy; bổ sung chất dinh dưỡng trái cây này có nhiều mà trái cây kia có ít”.

Tùy tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của người sử dụng, chúng ta chọn cách ăn trái cây phù hợp. Hàng ngày, chúng ta nên ăn trái cây, trung bình khoảng 200g/ngày là được. Ví dụ, chuối là một loại trái cây giàu năng lượng, nên người béo phì tốt nhất không nên ăn, nhưng trẻ em hoặc người lao động trí óc không có tình trạng thừa cân nên ăn chuối. Ăn và uống trái cây có thể sau bữa ăn chính hoặc thay thế cho một bữa ăn phụ.

An Quý

Ðối phó với thực phẩm “bẩn” bằng sự hiểu biết

Trong thực tiễn, người thành phố thường phải hít thở không khí ô nhiễm quá nhiều lần cho phép so với người nông thôn hay ở vùng biển, rừng núi. Nhưng vẫn chẳng ai về quê cả? Còn với thực phẩm, dù ai cũng thở từng giây và chỉ ăn uống vài lần trong ngày, người ta lại có đủ lý do để dọa mình và dọa người.

Sự khác biệt trong tiêu chuẩn và đánh giá nguy cơ

Không một thực phẩm tươi sống hay thức ăn bày sẵn trên bàn có thể “sạch” như thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn theo chuẩn. Mức tối đa cho phép (MRL) một chất hóa học trong thực phẩm thường được thiết lập bởi Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm Quốc tế (Codex), tổ chức chủ yếu khuyến cáo áp dụng trong thương mại quốc tế. Còn trong sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ cần có tiếp cận sát với thực tiễn của mỗi nơi. Ví dụ: MRL của chất fenvalerat (sumicidin) ở Ấn Độ trên cà chua là 1,0mg/kg, trên rau cải là 2,8mg/kg; còn ở Úc trên cà chua là 0,2 mg/kg, trên rau cải là 1,0mg/kg. Sở dĩ khác nhau như vậy có lẽ vì ở Ấn Độ khí hậu nóng ẩm, thuốc dễ bị phân hủy và yêu cầu mức sống của người dân không cao bằng ở Úc. Nhưng đó là tiêu chuẩn với các sản phẩm nuôi, trồng do con người chủ động làm ra. Còn với những thực phẩm từ động, thực vật hoang dã hoặc sẵn có trong thiên nhiên thì không thể kiểm soát được mức độ phơi nhiễm. Tương tự, thủy sản đánh bắt xa bờ cũng có thể khó đạt được tiêu chuẩn thương mại quốc tế mà Bộ Y tế đã chấp nhận và ban hành. Chuyện gì sẽ xảy ra với kinh tế biển và du lịch khi Việt Nam không có tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng và không phân cấp theo mức độ nguy cơ?

Chọn mua thực phẩm tại những nơi đã qua kiểm định để đảm bảo an toàn

Chọn mua thực phẩm tại những nơi đã qua kiểm định để đảm bảo an toàn. Ảnh: TM

Khi mức độ phơi nhiễm của một chất không lớn hơn MRL là bảo đảm an toàn trong một thời gian dài, thậm chí suốt đời. Chúng ta đều biết, MRL đối với 1kg thực phẩm thông thường, được thiết lập cho cộng đồng dân số nói chung với mức trọng lượng cơ thể trung bình của người lớn. Như vậy, trẻ em sẽ phải chấp nhận mức ăn vào cao trung bình gấp 5-10 lần người lớn (giả sử trẻ nặng 5 - 10kg và người lớn là 50kg), trừ một số loại có tiêu chuẩn riêng cho trẻ nhỏ. Giả sử MRL đối với chì là 1mg/kg cá tươi (1 ppm ) thì mức 1,1 ppm là không đạt. Nhưng nếu chỉ 0,1 ppm sẽ có nguy cơ khác với 10 ppm? Chẳng lẽ nào chỉ quá ngưỡng cho phép 0,1 ppm có thể gây bệnh khi mà có thể ăn sản phẩm có MRL là 1,0 ppm? Hơn nữa, có ai ăn cá tươi 1kg/ngày cho đến suốt đời không? Và vì vậy, nó phải có các cấp độ nguy cơ. Chẳng hạn, phải có 4 mức: mức sạch, mức chấp nhận được, mức nguy cơ cao và mức nguy hiểm.

Trong phân tích nguy cơ, ADI thường được áp dụng với các chất được phép sử dụng như: phụ gia thực phẩm, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; TDI áp dụng với các chất nhiễm bẩn và các chất cấm sử dụng. So với mức cao nhất của liều thử nghiệm dài hạn trên động vật mà không phát hiện tác dụng phụ (NOAEL), ADI thường được chia cho hệ số an toàn là 100, còn TDI là từ 2.000 đến 6.000 lần. Điều đó cho thấy, việc áp dụng ADI và TDI để phân tích một sự cố rủi ro, mà có hoặc chưa có MRL với một chất trên một thực phẩm là có cơ sở khoa học và có thể chấp nhận được.

Các tiêu chuẩn thiết lập bởi Codex là rất an toàn và đó là tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Trong tháng 9 năm nay, tại hội thảo quốc tế về phụ gia thực phẩm, các chuyên gia quốc tế đã cho rằng truyền thông Việt Nam đã thổi phổng nguy cơ một cách không đáng có vì ADI đối với phụ gia có hệ số an toàn là 100, vì vậy tiêu chuẩn cho phép MRL bảo đảm sức khỏe cho đại đa số dân chúng ăn suốt đời không bị sao. Người có tiền đi du lịch thì ngủ ở khách sạn 5 sao, ăn thực phẩm sạch. Người dân bình thường, công chức thì ngủ nhà nghỉ, khách sạn 2 - 3 sao, ăn cơm bình dân. Tại sao cứ phải toàn dân ăn ở theo tiêu chuẩn quốc tế? Thực phẩm thông thường cũng là hóa chất, có khi còn hại hơn phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu an toàn và có ADI, đặc biệt là khi nó bị ôi ươn, biến chất khi không được bảo quản đúng cách. Thực tế cũng cho thấy, các vụ ngộ độc hầu hết do thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc bị biến chất sinh chất gây dị ứng. Thủy sản gây dị ứng nhiều nhất!? Không có phụ gia thực phẩm thì những vụ ngộ độc, dịch bệnh và thất thoát sau thu hoạch sẽ là vấn đề lớn của nhân loại. Vấn đề là sử dụng chúng thế nào cho đúng mục đích, đúng liều và không bị lạm dụng.

Nói tóm lại, để phân tích mức độ nguy hiểm của một rủi ro, sự cố, ngộ độc,... các chuyên gia phải dựa vào hệ số an toàn của ADI và TDI của chất đó (mức ăn vào chấp nhận được hằng ngày/kg thể trọng người ăn vào) chứ không thể dựa vào tiêu chuẩn cho phép (MRL- mức phơi nhiễm của một chất/kg sản phẩm). Vì ở mức MRL thì phúc đức quá, làm gì có chuyện xảy ra mà phải thảo luận?

Áp dụng trong thực hành quản lý

Trong thực hành quan trắc môi trường lao động, Nga và Liên Xô trước đây thường có tiêu chuẩn GOCT ở ba mức chứ không chỉ một MRL. Sau mức an toàn là Mức nguy cơ cấp độ 1, thường được phép lớn hơn 1 và không quá 3 lần. Mức nguy cơ cấp độ 2 (nguy cơ cao) thường lớn hơn 3. Theo đó, các thanh tra viên phát hiện ô nhiễm ở cấp độ 1 có thể lập biên bản yêu cầu khắc phục, còn nếu mức ô nhiễm đạt cấp độ 2 trở lên thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc yêu cầu đóng cửa nhà máy hoặc phân xưởng. Như vậy có thể kết luận MRL là mốc chỉ điểm “sạch” của đối tượng bị kiểm tra hay nghiên cứu.

Tiếc rằng, các khái niệm về ADI, TDI vẫn chưa được cập nhật vào thực hành quản lý thực phẩm của Việt Nam mà chỉ có một mức chỉ điểm vệ sinh là QCVN, trong khi nó là mức ăn vào chấp nhận được từ ngày này qua ngày khác trong một thời gian dài, thậm chí đến suốt đời. Rõ ràng cần phải có một phương pháp luận mới trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm thực hành đúng đắn, khoa học. Chỉ khi đó, các lực lượng thanh tra có thẩm quyền và giới truyền thông mới khách quan, không thổi phồng nguy cơ mà làm cho mọi người “ăn cái gì cũng sợ” và doanh nghiệp bị xử lý sẽ “tâm phục, khẩu phục” khi... lỗi ra lỗi, tội ra tội?

Chúng ta chấp nhận Codex nhưng lại thường quá hoang mang khi có một kết quả xét nghiệm một chất đơn lẻ cho thấy, môi trường hoặc sản phẩm hàng hóa bị vượt quá mức MRL. Và cách xử lý an toàn nhất cho thanh tra viên và quan chức có thẩm quyền là đóng cửa và tiêu hủy sản phẩm. Việc chuyển mục đích sử dụng hoặc tái chế không được tận dụng, dẫn đến sự lãng phí và thậm chí dẫn đến một nguy cơ lớn hơn với môi trường khi sản phẩm bị tiêu hủy theo phương pháp lạc hậu hoặc không an toàn!?

BS. Nguyễn Văn Dũng

Thực đơn bổ dưỡng cho người hay bị chóng mặt do căng thẳng thường xuyên

Đây là thực đơn không chỉ ngon, bổ dưỡng, dễ làm mà còn giúp bạn giảm căng thẳng, áp lực, ngăn ngừa triệu chứng chóng mặt hiệu quả. Các món ngon trong thực đơn này phù hợp cho một bữa ăn hoàn chỉnh.

Cá diêu hồng rán sốt xì dầu

Cá diêu hồng không chỉ chứa nhiều chất đạm lành tính mà còn dồi dào omega-3 giúp giải toả căng thẳng, trầm cảm từ đó xua tan chóng mặt hiệu quả.

Món cá diêu hồng sốt xì dầu giúp giảm căng thẳng, chóng mặt

Nguyên liệu: cá diêu hồng, xì dầu, gừng, tỏi, rượu trắng, giấm, hành lá.

Cách làm:

- Rửa sạch cá, ướp với một chút rượu trắng để khử mùi tanh.

- Đun nóng chảo dầu sau đó cho cá vào rán đến khi cá vừa chín vàng ở hai mặt.

- Để làm phần sốt xì dầu, chúng ta cho xì dầu, giấm, đường và nước vào một bát nhỏ rồi khuấy đều cho đến khi đường tan. Tỷ lệ xì dầu, giấm, đường gia giảm theo khẩu vị vừa ăn của từng người.

- Phi thơm tỏi băm trong chảo, sau đó thêm sốt xì dầu vào. Đun hỗn hợp sốt đến khi vừa nóng thì cho cá vào rán cùng.

- Rắc thêm hành lá lên trên rồi tắt bếp.

Gỏi gà trộn bưởi

Cả bưởi và thịt gà đều là những nguyên liệu giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và ngăn ngừa chóng mặt. Kết hợp cả hai nguyên liệu thịt gà và bưởi thành món gỏi gà trộn bưởi sẽ giúp bữa cơm thêm hương vị chua ngọt không chỉ đậm đà mà còn bổ dưỡng cho sức khoẻ, giảm mệt mỏi, chóng mặt.

Món gỏi gà trộn bưởi giàu dinh dưỡng góp phần xua tan mệt mỏi, hoa mắt

Nguyên liệu: thịt gà, bưởi, lạc rang, vừng rang, bơ lạc, lá chanh.

Cách làm:

- Luộc gà, chúng ta nên cho một chút muối hoặc nước mắm vào nước luộc để thịt gà được ngon hơn.

- Khi thịt gà đã chín, chúng ta để nguội rồi lọc bỏ xương và thái sợi nhỏ.

- Xé nhỏ các tép bưởi.

- Giã lạc thật nhỏ.

- Trộn đều lạc xay với bơ lạc, đường, muối, nước mắm, nước cốt chanh và một ít nước lọc để làm nước trộn gỏi. Nếu bưởi ngọt thì có thể tăng lượng nước cốt chanh lên, còn nếu là bưởi chua thì cho nhiều đường hơn.

- Trộn đều nước trộn gỏi với thịt gà rồi chờ khoảng 5 phút cho thịt gà ngấm gia vị.

- Trộn các tép bưởi với thịt.

- Với phần rau gia vị tạo mùi, chúng ta có thể lựa chọn lá chanh hoặc rau răm.

- Khi ăn, trộn đều lá chanh (hoặc rau răm) đã thái thật nhỏ vào gỏi.

Canh cải thịt viên

Cuối cùng, chúng ta chỉ cần nấu thêm một nồi canh cải với thịt viên để thực đơn có đầy đủ chất xơ nữa là hoàn thành các món ăn giàu dinh dưỡng giúp xua tan căng thẳng, mệt mỏi và phòng ngừa chóng mặt vô cùng hiệu quả.

Món canh cải thịt viên bổ dưỡng giúp giảm căng thẳng, ngừa chóng mặt

Nguyên liệu: rau cải, thịt xay, gừng.

Cách làm:

- Ngâm rửa sạch rau cải trong nước muối loãng khoảng 10 phút. Sau đó cắt rau thành từng khúc 5-7cm.

- Trộn thịt xay với một ít hành tím và gia vị. Viên lại thành từng viên.

- Đun một nồi nước với vài lát gừng và một chút gia vị. Khi nước sôi, cho hết phần thịt viên vào.

- Cho rau cải vào. Đun thêm một lúc để rau vừa chín thì tắt bếp.

Với 3 món ăn trên, não bộ của chúng ta sẽ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp giảm căng thẳng mệt mỏi do áp lực công việc và cuộc sống, từ đó ngăn ngừa chóng mặt, hoa mắt hiệu quả.

Để có một sức khoẻ tốt, giảm thiểu sự xuất hiện của tình trạng chóng mặt, bên cạnh việc ăn uống điều độ, đầy đủ dưỡng chất cần kết hợp nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện khoa học thì việc sử dụng thuốc giảm chóng mặt chứa hoạt chất acetyl-DL-leucine, xuất xứ từ Pháp để cắt cơn chóng mặt tức thời và hiệu quả cũng là giải pháp tối ưu.Dự trữ thuốc giảm chóng mặt trong nhà và luôn mang theo bên người để luôn có thể sử dụng khi cần thiết giúp chúng ta tập trung hiệu quả để làm việc, học tập, tạo tâm lý tự tin, thoải mái trong cuộc sống. Mọi người chỉ nên mua và sử dụng thuốc giảm chóng mặt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các nhà thuốc lớn và uy tín.